Sử dụng kỹ thuật di truyền mới để bảo tồn giống gà Hồ và gà Đông tảo

Gà Hồ nuôi sống chủ yếu ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà Hồ đầu rất to, mào gà to có màu đỏ hoặc màu hồng như màu hoa mẫu đơn. Đuôi gà thường xòe to như cái nơm, các lông đuôi bằng nhau. Chân to, tròn (quản), vẩy chân mịn màu vỏ đỗ nành. Trọng lượng của một chú gà trống nuôi làm giống có khi lên đến 6 – 7 kg.

 
 

Hiện nay, toàn thế giới đang đứng trước một vấn đề cấp bách là bảo vệ nguồn lợi di truyền động vật và tính đa dạng sinh học. Ở Việt Nam cũng vậy, hiện tượng suy thoái và mất dần tính đa dạng di truyền của các giống gia súc, gia cầm truyền thống khiến nhiều giống vật nuôi đang bị thoái hoá, lai tạp, thậm chí có một số giống bị tuyệt chủng. Trong đó có gà Hồ và gà Đông Tảo là hai giống gà địa phương rất quý hiếm.

Gà Hồ nuôi sống chủ yếu ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà Hồ đầu rất to, mào gà to có màu đỏ hoặc màu hồng như màu hoa mẫu đơn. Đuôi gà thường xòe to như cái nơm, các lông đuôi bằng nhau. Chân to, tròn (quản), vẩy chân mịn màu vỏ đỗ nành. Trọng lượng của một chú gà trống nuôi làm giống có khi lên đến 6 – 7 kg. Trọng lượng của gà mái tối đa từ 4–5 kg. Gà mái thường có 3 màu lông: đất thó (trắng, xanh), vỏ quả nhãn chín và màu sẻ (giống lông chim sẻ). So với gà Đông Tảo thì gà Hồ có dáng cao, trường mình hơn.

Gà Đông Tảo có đầu to giống củ tre, mỏ gà xẻ, ngắn mập và quắp lại. Mắt gà Đông Tảo to, sáng, tinh nhanh, vành mắt rộng và sâu. Cổ gà to, ngắn vừa tầm, màu lông ở cổ gà thường giống màu lông ở thân. Gà Đông Tảo có cánh úp vỏ trai, đuôi gà trống có lông xòe đều như hình chiếc nơm, thân gà to, thô, ngực rộng nở nang, đùi dài, to, có màu đỏ, chân to, ngón ngắn, bàn đế dày, vẩy thịt, vẩy xếp theo hàng lối có màu đỏ. Gà trống Đông Tảo có hai mã lông cơ bản gồm mã mận (màu quả mận chín) và mã lĩnh (màu đen). Gà mái có 3 màu lông cơ bản là mã chuối (giống màu lá chuối khô), màu lông mã sẻ (giống màu lông chim sẻ) hoặc mã thó (màu lông trắng giống màu đắt sét hay còn gọi là đất thó). Từ xa xưa gà Đông Tảo được chọn là sản vật để tiến vua và thường được người dân dùng để cúng tế trong các dịp lễ hội.

Nhận thấy việc bảo tồn các giống gà quý là vấn đề thiết thực và cấp bách. NCS Nguyễn Văn Duy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành Phát triển nông thôn đã có đề tài nghiên cứu “Đặc điểm kiểu gen và kiểu hình gà Hồ và gà Đông Tảo ở Việt Nam” nhằm cung cấp thông tin khoa học cho việc khai thác và bảo tồn bền vững hai giống gà này. Đề tài kéo dài từ năm 2014 đến 2018, áp dụng phân tích đặc điểm kiểu gen của gà bằng kỹ thuật di truyền phân từ SNP, kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc các bộ nhiễm sắc thể cho kết quả chính xác trên 99%. Dự đoán kỹ thuật này có thể sàng lọc được phôi tốt nhất, loại bỏ kịp thời những phôi bất thường để cho ra được những cá thể chất lượng cao.

Hiện tại, hai giống gà này đang được nuôi thuần chủng tại Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Mỗi cá thể gà được kẹp cánh đánh dấu lý lịch và nhân giống thuần chủng. Công tác quản lý giao phối được thực hiện theo gia đình gà nhằm chống cận huyết và suy thoái giống.

Giống gà Hồ

Giống gà Đông Tảo

Ban Biên tập

 

 


  • 13/04/2015 08:10