Trên quan điểm biến chất thải thành sản phẩm hữu ích, nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nhóm các nhà khoa học của Phòng Khoa học và Công nghệ, Bộ môn Canh tác – Khoa Nông học, Trung tâm Thực nghiệm và đào tạo nghề đã bước đầu nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi gia súc và gia cầm thành phân viên hữu cơ vi sinh.
Với việc ứng dụng tổng hợp các biện pháp công nghệ như sinh học, hóa học, vật lý... đã góp phần rút ngắn thời gian xử lý tạo sản phẩm phân viên hữu cơ vi sinh (thời gian từ khi thu phân thải từ các trang trại chăn nuôi về xử lý và ép thành viên phân chỉ còn 6 – 10 tiếng). Sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đặc biệt là các vi sinh vật gây hại tồn tại trong phân được tiêu diệt nhờ quá trình sốc nhiệt và các vi sinh vật có ích.
Sản phẩm phân bón bước đầu thử nghiệm trên cây lúa tại một số vùng ở Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai cho thấy hiệu quả tốt. Với mức bón 25 – 30 kg/ha cho các giống lúa Bắc Thơm 7, Khang dân kết quả bước đầu đánh giá lúa đẻ khỏe, lá cứng, ít sâu bệnh hại hơn so với bón phân đơn theo cách bón truyền thống.
Một số hình ảnh mô hình sử dụng phân viên hữu cơ vi sinh tại Lào Cai