Trong các loại bệnh gây hại và làm giảm năng suất khoai tây, bệnh virus và bệnh mốc sương được coi là những bệnh nguy hiểm nhất. Nhiều biện pháp đã được đưa ra để hạn chế tác hại của bệnh như sử dụng các giống mới cho những vùng nhiễm bệnh, sản xuất các giống sạch virus để thay thế giống nhiễm bệnh, sử dụng các loại thuốc hóa học phòng chống bệnh mốc sương, ngăn cản tác nhân trung gian truyền nhiễm virus nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy các loại khoai tây dại như S.pinnatisectum, S.tarnii, S.bulbocastanum mang nguồn gen kháng bệnh mốc sương cao, ngoài ra còn mang nguồn gen kháng bệnh virus. Tuy nhiên, rất khó để chuyển đặc tính kháng này qua lại tạo hữu tính giữa các loài dại với khoai tây trồng do sự không tương hợp về genome, sự bất thụ trong lai xa.
Để khắc phục hiện tượng này, lai soma (dung hợp tế bào) được áp dụng để chuyển tính kháng mốc sương, bệnh virus từ khoai tây dại vào khoai tây trồng. Các nghiên cứu cũng đã chứng minh khả năng chuyển được tính kháng bệnh virus và mốc sương từ các loài khoai tây dại sang các giống khoai tây trồng thông qua dung hợp tế bào trần. Kết quả dung hợp tế bào trần đã tạo ra các vật liệu khởi đầu là các con lai soma mang khả năng kháng 2 loại bệnh trên.
Các vật liệu kháng bệnh này sẽ tiếp tục được lai lại với các dòng khoai tây trồng nhằm cải thiện các đặc tính nông sinh học quý của các con lai tạo ra và cuối cùng sẽ thu được các giống khoai tây như mong đợi, vừa mang khả năng kháng bệnh, vừa mang các đặc tính nông sinh học quý.
Theo hướng này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây kháng bệnh virus và mốc sương bằng phương pháp công nghệ sinh học” nhằm phát triển các sản phẩm nghiên cứu ở giai đoạn trước (lai dòng soma) thành giống khảo nghiệm có đặc tính kháng virus; ứng dụng các phương pháp dung hợp tế bào trần, lai hữu tính kết hợp sử dụng nguồn gen khoai tây dại để tạo được dòng khoai tây mang đặc tính đồng thời kháng bệnh virus và bệnh mốc sương.
Kết quả nghiên cứu đã tạo ra được 2 giống khoai tây kháng virus PVY (H76 và H79): có khả năng trưởng phát triển tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh hại; hầu như không bị nhiễm bệnh mốc sương, héo vàng… Đặc biệt, giống có tiềm năng cho năng suất khoảng 20 tấn/ha và năng suất thực tế hoảng 19 tấn/ha. Hai giống khoai tây này qua các lần khảo nghiệm trên diện rộng ngoài sản xuất, đều được các cơ quan kiểm nghiệm và bà con nông dân đánh giá cao cho sản xuất thử. Trong đó, dòng H76 có nhiều đặc tính ưu việt đã được Trung tâm khảo nghiệm giống và sản phẩm cây trồng quốc gia đề nghị cho khảo nghiệm trên diện rộng ở các vùng sinh thái.
Đã thu được 3 dòng con lai vừa có khả năng kháng bệnh virus và mốc sương, cũng như mang nhiều đặc tính nông sinh học quý có triển vọng phát triển thành giống. Xây dựng thành công 2 quy trình gồm: Quy trình chọn tạo giống khoai tây kháng bệnh virus PVY và quy trình chọn tạo giống khoai tây kháng đồng thời bệnh virus và bệnh mốc sương bằng dung hợp tế bào trần và lai hữu tính. Các quy trình này rất dễ sử dụng và có độ lặp cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đề tài đã góp phần chứng minh khả năng chuyển được tính kháng bệnh virus và mốc sương từ các loài khoai tây dại sang các giống khoai tây trồng thông qua dung hợp tế bào trần. Đây là một hướng đi mới đầy triển vọng trong chọn tạo các giống khoai tây trồng kháng các loại bệnh nguy hiểm.
Bước đầu đã tạo ra được các dòng khoai tây kháng đồng thời bệnh virus và mốc sương có khả năng phát triển thành giống. Giống khoai tây mới kháng bệnh chắc chắn sẽ góp phần đưa cây khoai tây trở thành cây trồng chính ở vụ đông tại đồng bằng Bắc Bộ và nhiều vùng sản xuất khoai tây khác trong cả nước.
Ban biên tập (Nguồn NASATI)